1.
Công Vinh
mà không xứng đáng, thì liệu cầu thủ Việt Nam nào xứng đáng? Quang Hải, Công Phượng? Hay Văn Quyến, Quốc Vượng? Hay Huỳnh Đức, Hồng Sơn?
Với AFC, quyết định chọn Lê Công Vinh ắt hẳn cực kỳ dễ dàng, bởi dù gì đi nữa, tiền đạo gốc Quỳnh Lưu này vẫn đang là chân sút ghi nhiều bàn thắng nhất cho ĐTQG Việt Nam, anh cũng từng 3 lần giành Quả bóng Vàng Việt Nam, là cầu thủ ghi bàn thắng quyết định đem về chức vô địch AFF Cup đầu tiên của Việt Nam, từng ra nước ngoài thi đấu, ở cả châu Âu lẫn Nhật Bản...
Song khi đọc những dòng bình luận của "người hâm mộ bóng đá Việt Nam" với thông tin vinh danh Công Vinh của AFC, chắc hẳn những ai trót yêu mến anh không thể thoát khỏi cảm giác thoáng buồn:
"Tôi dám cam đoan ở Việt Nam lượng antifan của Công Vinh và fan Công Phượng xấp xỉ nhau"
"Tiếc cho Quyến béo... giờ thì kép phụ lại là huyền thoại Đông Nam Á"
"Nếu Văn Quyến không dịch công chứng rớt, thì Công Vinh vẫn còn lạc trôi đâu đó"
"Huyền thoại, ha ha ha!"
"Tiếc cho Văn Quyến"
Người ta từng trầm trồ với những màn trình diễn mãn nhãn của Văn Quyến, cũng như từng trầm trồ, vỡ òa với những màn trình diễn của Công Phượng. Người ta yêu thứ bóng đá đẹp, thích thú với cảm giác thăng hoa với những pha xử lý điệu nghệ, mà có lẽ quên đi rằng với một tiền đạo, bàn thắng và hiệu quả mới là thước đo quan trọng nhất. Và với một cầu thủ bóng đá, ngoài năng khiếu ra, bản lĩnh và sự nỗ lực cũng là những thứ cực kỳ quan trọng.
Ở một nền bóng đá khác, một nền văn hóa khác, Công Vinh hoàn toàn có thể là hình ảnh đại diện cho giới cầu thủ - một nghề tử tế như mọi nghề khác. Chẳng phải Công Vinh chính là hình mẫu mà những Quang Hải, Văn Hậu, Xuân Trường, Tuấn Anh, Công Phượng... hướng tới đó sao?
2. Không ít người ghét Công Vinh. Nhưng buồn cười ở chỗ họ chẳng biết mình ghét anh vì điều gì. Có lẽ, bởi Vinh không giống với những cầu thủ là hình mẫu mà thời đại của anh, thời đại bóng đá Việt Nam lặn ngụp trong "vũng bùn" của chính mình, đã là cầu thủ không được phép... là người tử tế. Với họ, Công Vinh là kẻ to gan dám làm cầu thủ "tử tế" trong nền bóng đá "chưa tử tế".
Người ta mặc định Công Vinh chỉ là "kẻ đóng thế" khi Văn Quyến, Quốc Vượng cùng già nửa đội hình chính của ĐTQG Việt Nam phải "nhập trại" năm 2005 vì bán độ, thì anh mới có cơ hội đá chính, mà quên mất rằng Quả bóng Vàng Việt Nam đầu tiên mà Công Vinh đoạt được là ở tuổi 19, và suốt hơn 10 năm trời, mọi HLV ĐTQG Việt Nam đều đảm bảo cho anh suất đá chính ở trong đội hình.
Vài năm về trước, người hâm mộ bóng đá nước nhà vui sướng, tự hào với lứa cầu thủ U19 của bầu Đức, với "văn võ song toàn", vừa đá bóng giỏi, vừa được học hành đến nơi đến chốn, nói tiếng Anh như gió. Nhưng trước đó rất nhiều năm, Công Vinh đã thản nhiên trả lời phỏng vấn truyền thông nước ngoài bằng tiếng Anh như gió.
Bóng đá châu Á công nhận và tôn vinh Công Vinh, nhưng với bóng đá Việt Nam, chữ "Vinh" trong tên của huyền thoại bóng đá Đông Nam Á này chẳng hề "đến nơi, đến chốn". Ngày bóng đá Việt Nam chia tay Công Vinh, cũng là ngày cầu thủ xứng đáng là tấm gương xứng đáng nhất cho các cầu thủ Việt Nam ngước nhìn lần cuối Mỹ Đình lộng gió từ thảm cỏ xanh trong giàn giụa nước mắt. Người hâm mộ đau một, thì Công Vinh đau mười với trận đấu cuối của mình.
Chưa, và chắc sẽ không bao giờ Công Vinh có được trận đấu tôn vinh dành riêng cho mình, cho những gì anh xứng đáng được nhận sau những cống hiến miệt mài trên sân cỏ suốt gần 20 năm sự nghiệp.
Trong những thành công của bóng đá Việt Nam suốt hơn hai năm qua, Công Vinh không có mặt. Trong những thành công của mình với bóng đá Việt Nam, Công Vinh lạc lõng.
Huyền thoại ấy sinh bất phùng thời, nhưng càng nhìn vào những thành công gần đây của bóng đá Việt Nam, nhìn vào "thế hệ vàng" đang từng bước đưa bóng đá Việt Nam vươn tầm châu Á, mới thấu cảm được nỗi lòng của "người tiên phong" dám làm "cầu thủ tử tế" giữa một nền bóng đá... chưa tử tế ngày nào.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét