Với hơn 57 triệu người tại gần 20 thành phố Trung Quốc bị phong tỏa, dịch viêm phổi Vũ Hán đang gây ảnh hưởng nghiêm trọng lên bán lẻ, du lịch và giao thông tại Trung Quốc, đặc biệt trong dịp Tết Nguyên đán.
Starbucks cuối tuần trước thông báo đóng các cửa hàng và ngừng dịch vụ giao hàng tại thành phố Vũ Hán - tâm điểm của dịch bệnh, cũng như toàn tỉnh Hồ Bắc. Chuỗi cà phê này có 90 cửa hàng tại đây. Tổng cộng, Starbucks đã đóng cửa hơn nửa số cửa hàng tại Trung Quốc - thị trường lớn thứ 2 của chuỗi cà phê này. Các nhà phân tích tại William Blair cảnh báo việc này có thể khiến doanh thu của hãng mất 25 triệu USD mỗi tuần.
Một cửa hàng của Starbucks tại Trung Quốc. Ảnh: AP |
KFC và Pizza Hut cũng đóng cửa nhà hàng ở Vũ Hán. Công ty mẹ của hai thương hiệu này - Yum China cho biết sẽ tiếp tục đánh giá tình hình để "có thêm hành động" khi cần thiết.
McDonald’s đã đóng cửa cơ sở ở Vũ Hán và 4 thành phố khác thuộc Hồ Bắc. Disney đóng cửa công viên ở Thượng Hải và Hong Kong, dù đã chuẩn bị khá kỹ càng về trang trí, dịch vụ và hàng hóa ngay trước Tết Nguyên đán.
Hãng xe điện Tesla Công ty dịch thuật Đồng Nai cũng khó đạt mục tiêu tăng tốc sản xuất tại nhà máy ở Thượng Hải. Lợi nhuận quý I của họ có thể giảm sút trong bối cảnh Tesla đang đặt cược lớn vào thị trường Trung Quốc.
Dịch cúm đang gây thêm sức ép lên doanh nghiệp ngoại tại nước này, trong bối cảnh họ vốn đã phải đối mặt với nhiều thách thức. Gần hai năm qua, các công ty đa quốc gia lao đao vì chiến tranh thương mại Mỹ - Trung Quốc. Thậm chí, từ trước khi cuộc chiến này bùng nổ, họ cũng đã phải cân nhắc lại chiến lược hoạt động tại Trung Quốc.
Chi phí nhân công tăng, đối thủ địa phương ngày càng cạnh tranh khốc liệt, hệ thống quy định kém thân thiện khiến nhiều doanh nghiệp ngần ngại. Tuy nhiên, nhân lực dồi dào, hệ thống đường cao tốc và đường sắt thuận tiện, cũng như thị trường tiêu thụ rộng lớn khiến họ khó rời bỏ quốc gia này.
"Điều nhìn thấy rất rõ ở đây là các doanh nghiệp đang đối mặt với hàng loạt bất ổn. Và đây chỉ là thêm một rủi ro nữa mà thôi", Sameer Samana - chiến lược gia thị trường toàn cầu tại Wells Fargo Investment Institute nhận định trên NYT .
Jude Blanchette - Giám đốc nghiên cứu Trung Quốc tại Trung tâm Quốc tế học và Chiến lược tại Washington cho biết dịch cúm bùng nổ "ở thời điểm có thể nói là tệ nhất với Trung Quốc". Tết Nguyên đán là "sự kiện kinh tế đơn lẻ lớn nhất tại Trung Quốc, với khoảng 150 tỷ USD chi ra mỗi mùa. Vì vậy, tác động kinh tế có thể rất lớn", ông cho biết.
Cổ phiếu các hãng kinh doanh hàng xa xỉ gần đây mất giá mạnh do nhà đầu tư lo ngại doanh số thấp trong mùa mua sắm vốn dĩ sẽ rất nhộn nhịp. LVMH, Kering và Richemont tuần trước đều giảm hơn 5%. Trung Quốc là thị trường béo bở của các hãng này.
Tết Nguyên đán cũng là thời điểm hàng trăm triệu người Trung Quốc di chuyển về quê. Vì vậy, dịch cúm đã khiến hàng triệu người hủy bỏ kế hoạch này. Tổng số chuyến đi tại Trung Quốc ngày mùng một Tết đã giảm gần 30% so với năm ngoái, Liu Xiaoming - Thứ trưởng Giao thông Trung Quốc cho biết. Số lượt di chuyển bằng tàu hỏa và máy bay giảm hơn 41%.
Các chuỗi khách sạn lớn, như IHG, Marriott và Accor cho biết sẽ miễn phí hủy phòng cho đến ngày 8/2 với các khách sạn tại Trung Quốc. Trung Quốc đóng góp 6% số phòng cho Hilton Worldwide và 8,5% phòng cho Marriott. Còn các hãng bay như Cathay và Qantas cho biết sẽ hoàn tiền đầy đủ cho khách đặt vé đến Trung Quốc hoặc rời nước này đến hết tháng 2.
Jake Parker - Phó chủ tịch Hội đồng Kinh doanh Mỹ - Trung Quốc cho biết: "Các thành viên của chúng tôi đang đối mặt với nhiều cấp độ gián đoạn kinh doanh, trong đó có vấn đề về chuỗi cung ứng, đóng cửa nhà máy, cửa hàng và các thách thức khác. Nếu lệnh cấm di chuyển và cách ly kéo dài, các vấn đề này sẽ càng nghiêm trọng".
Thành phố Vũ Hán - tâm điểm của dịch cúm lần này đặc biệt có sức hấp dẫn với các công ty lớn, do đây là trạm trung chuyển giao thông lớn của Trung Quốc. Các đại gia sản xuất ôtô, như General Motors, Honda, Nissan đều có cửa hàng tại đây. Vũ Hán cũng là nơi nhận hơn một phần ba vốn đầu tư của Pháp vào Trung Quốc.
Renault, một trong các hãng xe có nhà máy lớn đặt tại Vũ Hán, tuần trước cho biết đang "nghiên cứu kỹ vấn đề". Nhiều nhà máy sản xuất ôtô đã đóng cửa nghỉ lễ. Peugeot cuối tuần trước cho biết sẽ đưa nhân viên và gia đình họ rời Vũ Hán.
Cummins - một công ty Mỹ sản xuất động cơ và máy phát - không biết khi nào mới có thể mở lại 7 cơ sở ở Vũ Hán, do thành phố này vẫn đang bị phong tỏa. "Chúng tôi vẫn thường xuyên cập nhật và đánh giá tình hình. Tôi nghĩ rằng các nơi khác cũng chung cảnh ngộ như chúng tôi mà thôi", Jon Mills - người phát ngôn của công ty cho biết.
Các doanh nghiệp Nhật Bản cũng đang đánh giá tác động từ dịch cúm lần này. "Nếu tình trạng này kéo dài, chúng tôi lo ngại nó sẽ ảnh hưởng đến xuất khẩu, sản lượng và lợi nhuận của doanh nghiệp Nhật Bản", Yasutoshi Nishimura - phụ trách chính sách tài khóa và kinh tế của Nhật Bản tuần này cho biết. Du khách Trung Quốc đóng góp khoảng 30% khách nước ngoài cho nước này. Các công ty Trung Quốc cũng là người mua chính linh kiện từ Nhật Bản, như thiết bị bán dẫn và ống kính.
Bernard Arnault - CEO LVMH đã yêu cầu chi nhánh Trung Quốc báo cáo tác động của dịch bệnh. Nếu hậu quả của đợt bùng phát này kéo dài đến tháng 3, điều đó sẽ không quá kinh khủng, Arnault cho biết trên WSJ . "Nhưng nếu nó kéo dài 2 năm, đó lại là một câu chuyện khác", ông nói.
Hà Thu (tổng hợp)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét